Ghềnh Ráng cách thành phố biển Quy Nhơn chỉ khoảng 2 cây số, sở hữu bãi Hoàng Hậu thơ mộng và khu mộ của vị thi sĩ tài hoa nhưng bạc phận - Hàn Mặc Tử.  

Ghềnh Ráng có quy mô gần 35 ha, là một quần thể sơn thạch nằm ở dãy núi Xuân Vân. Con đường đến Ghềnh Ráng được xây khá đẹp đẽ, dốc thoai thoải. Tại đây, quần thể đá và các hang động nổi bật với đủ các hình dạng kỳ thú, chạy men theo đường bờ biển. Những cơn gió như tiếng thì thầm của tạo hóa thổi vào mát lạnh, mang theo vị mặn mòi của biển cả. Khí hậu mát mẻ và dễ chịu dù mùa hè ở Bình Định khá gay gắt. Dưới những hàng phi lao râm râm bóng mát và những ghềnh đá, du khách đưa hồn phiêu lưu cùng biển cả, ngắm nhìn gần trọn hết vẻ đẹp đầy sức sống của phố biển Quy Nhơn và lắng nghe huyền thoại tình yêu rung động ngày nào.

Người ta kể rằng, xưa kia có một cô gái vô cùng xinh đẹp ở Bồng Sơn, yêu một chàng trai cùng làng,  bị bọn tham quan, vô lại truy đuổi định cưỡng bức nên phải bỏ làng chạy vào Quy Nhơn. Đến Ghềnh Ráng, bỗng dưng dông bão nổi lên, núi nứt một khe lớn và nàng biến mất. Người yêu cô gái tìm đến chỉ còn thấy tàn ảnh nàng ẩn hiện lúc trên bầu trời, lúc trong vách đá. Kể từ đó, nơi đây được đặt tên là  "Ghềnh Ráng Tiên Sa". 

Đặt chân đến cổng, có một lối đi đưa du khách lên đồi Thi Nhân, viếng thăm nơi an nghỉ cuối cùng của thi sĩ Hàn Mặc Tử. Ngôi mộ nằm trên một gò cao, phía sau là đồi cỏ xanh mượt, tươi mát, phía trước là biển. Đặc biệt, mộ có đặt tượng Đức Mẹ nhìn xuống. Đây là điểm viếng thăm hội ngộ của nhiều du khách, đặc biệt là các văn nhân. Có thể nói, Hàn Mặc Tử chính một trong 3 “cây đa, cây đề” của làng thơ mới Việt Nam cùng với Xuân Diệu và Hàn Mặc Tử, đã để lại cho lâu đài văn học nước nhà rất nhiều tác phẩm đặc sắc, những viên ngọc sáng trong, lấp lánh. Thế nhưng “Có tài mà cậy chi tài/ Chữ tài liền với chữ tai một vần” (Nguyễn Du), tài năng là thế, nhưng cuộc đời của thi sĩ Hàn Mặc Tử lại lắm “Đau thương” và ngang trái. Những năm tháng cuối đời, nhà thơ “tài hoa bạc mệnh” này đã sống cùng căn bệnh hiểm nghèo trong trại phong Quy Hòa cùng với những nỗi niềm còn dang dở. Và thiên nhiên thơ mộng cùng “trăng sao”, mây gió của Ghềnh Ráng đã tiếp thêm nguồn cảm hứng dồi dào cho thi nhân viết nên những câu thơ kiệt xuất.

Nhà thờ đá Ghềnh Ráng Tiên Sa

Nhà thờ đá nằm đối diện với khu mộ Hàn Mặc Tử. Nhà thờ này nằm sâu phía bên dưới, về hướng biển. Chiếc cổng gỗ đơn sơ là ấn tượng đầu tiên đối với du khách khi đặt chân tại đây. Để rồi, một cảm xúc ngạc nhiên dâng tràn khi bước qua cánh cổng đơn sơ ấy. Cả một không gian rộng lớn, tươi mát mở ra trước mắt như một thế giới khác hẳn. 

Gần mộ thi sĩ họ Hàn là nơi nghệ sĩ Dzũ Kha biểu diễn nghệ thuật thư pháp thơ Hàn Mặc Tử trên gỗ thông bằng bút lửa. Tại đây, du khách sẽ được chiêm ngưỡng những vần thơ “thổn thức” của thi sĩ “Thơ điên” trên mặt gỗ còn vương mùi nhựa thông và được tham quan nơi trưng bày cuộc đời và thi ca của nhà thơ đoản mệnh.

Danh thắng Ghềnh Ráng Tiên Sa là sự hòa quyện vẹn tròn của những bãi đá, ghềnh đá liên tiếp nhau theo đường cong của eo biển trông rất hùng vĩ, đẹp tuyệt vời. Từng hang hốc, hình dạng kỳ quái, lạ mắt sẽ hiện ra. Hòn Chồng ở Ghềnh Ráng là là một kiệt tác được vẽ ra bởi tạo hóa, ban tặng cho thiên nhiên Bình Định. Bãi Đá Trứng hay bãi tắm Hoàng Hậu (vì ngày xưa Nam Phương Hoàng Hậu vẫn thường đến đây để tắm) nổi tiếng với những khối sơn thạch muôn hình vạn trạng và bãi đá trứng hình tròn, mặt nhẵn như quả trứng. Đá Vọng Phu mô phỏng hình dáng người vợ ngóng chồng. Hay “Thạch Kỳ Lân” dũng mãnh, ngàn năm vẫn trơ gan cùng tuế nguyệt”… Đi tiếp 1.000m nữa, du khách sẽ đặt chân đến bãi Tiên Sa.

Ghềnh Ráng Tiên Sa không chỉ là một thắng cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp mà còn nơi đem đến cho du khách những khoảng lặng về những dấu tích về năm tháng cuối đời ở ẩn và cho ra đời những áng thơ bất hủ của thi sĩ họ Hàn. Lối đi nhỏ dẫn lên nơi an nghỉ của nhà thơ nép mình dưới tán rừng dương xanh tốt, quanh năm xào xạc như tự hát những khúc tình ca. Để cho những ai đã từng đến đây một lần đều nhớ về một tâm hồn khao khát tình yêu, khát khao sự sống đến cháy bỏng.

Featured news
  • Ghềnh Ráng Tiên Sa
    Ghềnh Ráng Tiên Sa
    Nằm cách trung tâm thành phố Quy Nhơn khoảng 2km về phía Đông, Ghềnh Ráng Tiên Sa là địa điểm du lịch bạn nhất định phải ghé thăm.
  • Tháp Bánh Ít
    Tháp Bánh Ít
    Du lịch Quy Nhơn đừng quên ghé thăm Tháp Bánh Ít. Đây được xem là một khu di tích độc đáo mang nhiều giá trị văn hóa và kiến trúc hiện còn tồn tại ở Việt Nam. Được xây dựng từ cuối thế kỷ XI đến đầu thế kỷ XII, dưới thời của hai quốc vương Harivarman IV và V. Trước đây, tháp Bánh Ít thuộc làng Tri Thiện, xã Phước Quang, Tuy Phước nên còn được gọi là tháp Tri Thiện, bên cạnh đó còn có những tên khác như tháp Cầu Bà Gi, tháp Thiện Mẫu, Thổ Sơn hay người Pháp gọi là Tour dargent - tháp Bạc.
  • Chiêm ngưỡng tượng Phật ngồi lớn nhất Đông Nam Á tại chùa Ông Núi
    Chiêm ngưỡng tượng Phật ngồi lớn nhất Đông Nam Á tại chùa Ông Núi
    Thời xưa, trong cuốn sách “Đại Nam nhất thống chí” có ghi chép một cái tên là Linh Phong và được mô tả là nơi đắc địa “Tựa Sơn – Vọng Hải ”: ngự ở thôn Phương Phi, huyện Phù Cát, ngả lưng vào núi cao (núi Bà), mặt nhìn ra đầm Biển cạn (đầm Thị Nại), bao quanh có nước suối uốn lượn thật trữ tình. Ngày nay, chùa Linh Phong thiền tự ấy được mọi người gọi là chùa Ông Núi, nơi sở hữu tượng Phật Thích Ca tạo dáng ở tư thế ngồi cao nhất Đông Nam Á hiện nay.
Top