Bảo tàng Quang Trung ngày nay còn cất giữ, trưng bày những hiện vật quan trọng mang dấu ấn của phong trào Tây Sơn. Đây cũng là một trong những địa chỉ thu hút các nhà nghiên cứu cùng du khách trong nước và quốc tế ghé thăm khi đến với vùng đất Nam Trung bộ này. Từ thành phố Qui Nhơn đi về phía Tây Bắc 50km nữa là bạn sẽ đến bảo tàng Quang Trung, thuộc làng Kiên Mỹ, xã Bình Thành, huyện Tây Sơn. Đây cũng là quê hương của 3 anh em Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ và Nguyễn Lữ. Bảo tàng này có từ năm 1978, được xây dựng theo phong cách trang nghiêm, rất phù hợp với cảnh quan xung quanh. Đây là bảo tàng Danh nhân lớn nhất, đồng thời là một trong những bảo tàng được du khách đến thăm, du lịch và học tập nhiều nhất trên mảnh đất hình chữ S.

Bảo tàng còn trưng bày trên 11.000 hiện vật về phong trào khởi nghĩa Tây Sơn và vị anh hùng Quang Trung – Nguyễn Huệ. Bên cạnh đó, tại đây còn có điện thờ Tây Sơn Tam kiệt, nơi thờ Nguyễn Huệ, Nguyễn Nhạc, Nguyễn Lữ và các văn thần võ tướng của nhà Tây Sơn. Thông thường lượng khách đến đây đông nhất là vào ngày Mùng 5 tháng Giêng hàng năm – ngày kỷ niệm chiến thắng Ngọc Hồi (Đống Đa, Hà Nội).

Bảo tàng bao gồm 9 phòng trưng bày, được xây dựng trên chính nền nhà cũ của ba anh em nhà Tây Sơn. Nhân dân là những người đã góp công xây dựng bảo tàng vào năm 1958 và hoàn thành vào năm 1960 với tổng thể diện tích 2.325m².

Trong bảo tàng có 3 nhóm nhà chính, mở ra 3 hướng tỏa vào sân tượng, và đường vào từ phía cổng bảo tàng, làm nên bố cục sân tượng tròn và cân đối, gợi ra 4 hướng, song lại tụ vào 1 điểm: đó là nơi đặt tượng đài Quang Trung – Nguyễn Huệ. Thoạt đầu, bạn sẽ thấy kiến trúc Bảo tàng Quang Trung mang đường nét cổ, với những hàng cột được lặp lại có nhịp điệu và những lớp mái cong chắc khỏe nhưng vẫn lãng mạn, cân đối.

Trước sân rộng là cổng tam quan, rồi đến nhà bia ghi lại những công lao của Quang Trung – Nguyễn Huệ bằng chữ quốc ngữ. Chính điện có tổng cộng ba gian, gian giữa thờ Quang Trung – Nguyễn Huệ, có bức tranh ông cưỡi ngựa đặt trong khung kính, gian bên trái thờ Nguyễn Nhạc, gian bên phải thờ Nguyễn Lữ. Hai đầu hồi là ban thờ các văn thần võ tướng nhà Tây Sơn như: Trần Quang Diệu, Bùi Thị Xuân, Võ Văn Dũng, Ngô Thì Nhậm, Ngô Văn Sở, Trần Văn Kỷ…

Hiện nay tại khu vườn cũ của gia đình anh em Tây Sơn vẫn còn lại hai di tích quý giá là cây me cổ thụ và giếng nước xưa, được truyền là có từ thời Hồ Phi Phúc. Cây me cổ thụ đứng bên trái điện Tây Sơn cành lá rộng rợp bóng cả một góc vườn, chu vi gốc cây tới 3,5m. Bên phải điện Tây Sơn là giếng nước, đường kính 0,9m.

Ngoài chiêm ngưỡng vẻ đẹp kiến trúc, những hiện vật trưng bày, du khách đến đây còn được xem biểu diễn võ thuật và trống trận Tây Sơn. Một bài trống trận Tây Sơn gồm 3 hồi: Xuất trận, xung trận – công thành, ca khúc khải hoàn…, không có hồi trống trận lui quân như những bài trống trận khác. Có lẽ trong suốt sự nghiệp cầm quân đánh giặc chưa một lần Quang Trung thất bại, chưa một lần phải lui quân, cứ thắng dồn dập như chẻ tre, nên trống trận chỉ có tiến mà không có lùi.

Sau trống trận là múa quyền, côn và các loại binh khí Tây Sơn – như hiện ra trước mắt hình ảnh nữ đô đốc Bùi Thị Xuân uy nghi, mạnh mẽ trên bành voi cầm quân, khiển tướng. Bài múa võ hòa âm hưởng của nhạc võ Tây Sơn, một bức tranh sống động của những nông dân dựng cờ đào, thật xứng với câu thơ lan truyền rất lâu:

Ai về đất võ mà xem,

Con gái Bình Định múa roi đánh quyền

Có thể nói trống trận Tây Sơn là một bản anh hùng ca hừng hực tinh thần thượng võ và hào khí Quang Trung, là một kho tàng văn hóa phi vật thể quý báu của dân tộc Việt Nam…

Featured news
  • Ghềnh Ráng Tiên Sa
    Ghềnh Ráng Tiên Sa
    Nằm cách trung tâm thành phố Quy Nhơn khoảng 2km về phía Đông, Ghềnh Ráng Tiên Sa là địa điểm du lịch bạn nhất định phải ghé thăm.
  • Tháp Bánh Ít
    Tháp Bánh Ít
    Du lịch Quy Nhơn đừng quên ghé thăm Tháp Bánh Ít. Đây được xem là một khu di tích độc đáo mang nhiều giá trị văn hóa và kiến trúc hiện còn tồn tại ở Việt Nam. Được xây dựng từ cuối thế kỷ XI đến đầu thế kỷ XII, dưới thời của hai quốc vương Harivarman IV và V. Trước đây, tháp Bánh Ít thuộc làng Tri Thiện, xã Phước Quang, Tuy Phước nên còn được gọi là tháp Tri Thiện, bên cạnh đó còn có những tên khác như tháp Cầu Bà Gi, tháp Thiện Mẫu, Thổ Sơn hay người Pháp gọi là Tour dargent - tháp Bạc.
  • Chiêm ngưỡng tượng Phật ngồi lớn nhất Đông Nam Á tại chùa Ông Núi
    Chiêm ngưỡng tượng Phật ngồi lớn nhất Đông Nam Á tại chùa Ông Núi
    Thời xưa, trong cuốn sách “Đại Nam nhất thống chí” có ghi chép một cái tên là Linh Phong và được mô tả là nơi đắc địa “Tựa Sơn – Vọng Hải ”: ngự ở thôn Phương Phi, huyện Phù Cát, ngả lưng vào núi cao (núi Bà), mặt nhìn ra đầm Biển cạn (đầm Thị Nại), bao quanh có nước suối uốn lượn thật trữ tình. Ngày nay, chùa Linh Phong thiền tự ấy được mọi người gọi là chùa Ông Núi, nơi sở hữu tượng Phật Thích Ca tạo dáng ở tư thế ngồi cao nhất Đông Nam Á hiện nay.
Top